Hiện nay, phẫu thuật tăng chiều cao đang dần trở thành một trong những phương pháp phổ biến để thoát khỏi tình trạng “nấm lùn”. Trên thực tế, ở độ tuổi trưởng thành, đây được xem là biện pháp duy nhất để bạn có thể cải thiện chiều cao. Vậy phương pháp này giúp cải thiện chiều cao như thế nào? Các bước tiến hành phẫu thuật ra sao?
1. Thế nào là phẫu thuật tăng chiều cao?
1.1. Phẫu thuật tăng chiều cao là gì?
Phẫu thuật tăng chiều cao về cơ bản là phương pháp tăng chiều cao nhờ kéo dài chân bằng cách cắt rời xương nhưng không làm ảnh hưởng đến màng xương và sử dụng đinh cố định để xương có thể dài ra từ từ. Sau một khoảng thời gian, màng xương và tủy xương sẽ tạo xương, cùng lúc đó canxi sẽ dần lắng đọng tại khoảng cách vết cắt và dần hình thành ra xương mới.
Phẫu thuật tăng chiều cao không phải là một cuộc phẫu thuật phức tạp. Bởi kỹ thuật được sử dụng trong cuộc phẫu thuật này đã được áp dụng trong điều trị những di chứng do chiến tranh, các dị tật về xương,…. Mặc dù vậy, phương pháp này có thể gây ra nhiều biến chứng không mong muốn và người thực hiện có thể phải phẫu thuật lại nhiều lần.
1.2. Có thể kéo dài tối đa bao nhiêu cm?
Thông thường, một cuộc phẫu thuật kéo dài chân có thể kéo đến 15 – 20cm. Khi thực hiện phẫu thuật, bạn có thể lựa chọn kéo ở đùi hoặc ở cẳng chân. Mỗi vị trí có thể kéo dài tối đa khoảng 8cm.
Tuy vậy, kéo dài chân càng nhiều thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Vì thế, các bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân kéo dài khoảng 6 – 10cm để cho cân xứng với cơ thể cũng như hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải.
2. Ai có thể kéo dài chân?
Về mặt lý thuyết, bất cứ ai có nhu cầu cũng có thể thực hiện kéo dài chân. Tuy nhiên trên thực tế, những bệnh nhân thực hiện kéo dài chân thường là những người có chiều cao khiêm tốn, người có các dị tật ở chân, hoặc những người bị lệch hai chân mà không thể khắc phục được bằng cách đi giày độn đế.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện 108 – một trong những bệnh viện chuyên thực hiện phẫu thuật tăng chiều cao tại Việt Nam, độ tuổi thích hợp nhất để thực hiện phẫu thuật tăng chiều cao là 20 đến 35 tuổi. Ở giai đoạn này, xương cơ thể đã phát triển hoàn thiện và có tốc độ phục hồi nhanh nhất.
Ai có thể phẫu thuật kéo dài chân?
3. Kéo dài chân được thực hiện ra sao?
Để thực hiện cuộc phẫu thuật tăng chiều cao bằng cách kéo dài chân, bạn cần phải trải qua những bước sau: chuẩn bị trước ca phẫu thuật, đóng đinh, lắp đặt khung cố định vào cẳng chân, cắt xương. Dưới đây là chi tiết quá trình phẫu thuật tăng chiều cao:
3.1. Bước chuẩn bị
Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật mổ kéo dài chân, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để tìm hiểu một số thông tin về bệnh nhân bao gồm: sự phát triển về thể chất tầm vóc ở độ tuổi thanh thiếu niên, sự phát triển ở thời điểm dậy thì, tiền sử về hormone, tình trạng ốm đau lúc nhỏ, các bệnh di truyền,…
Trong khoảng thời gian chuẩn bị phẫu thuật, người bệnh cũng sẽ được các bác sĩ và chuyên gia giải thích rõ ràng về quy trình phẫu thuật, khoảng thời gian nằm viện sau phẫu thuật là bao lâu, quá trình điều trị trong và sau khi ra viện sẽ như thế nào, thời gian điều trị kéo dài bao lâu và cũng như dự đoán trước những tai biến và biến chứng có thể xảy ra để người bệnh chuẩn bị sẵn sàng tâm lý. Về phía bệnh nhân cũng cần hiểu rõ những điều trên để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho cuộc phẫu thuật.
Khi đã chắc chắn quyết định làm phẫu thuật kéo dài chân, bệnh nhân sẽ được tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý liên quan đến xương, và những bệnh lý khác có chống chỉ định kéo dài chân.
3.2. Tiến hành phẫu thuật kéo dài cẳng chân
Sau khi hoàn thành những xét nghiệm kể trên và bệnh nhân đã có tâm lý sẵn sàng để phẫu thuật, bác sĩ sẽ bắt đầu gây mê hoặc gây tê tủy sống. Quá trình diễn ra trong cuộc phẫu thuật sẽ trải qua 3 bước như sau:
Bước 1: Đóng đinh
Ở bước này, bác sĩ sẽ rạch trên da một vết dài khoảng 1,5 – 2cm dọc mặt trước gân bánh chè, sau đó sử dụng dùi y tế khoan 1 lỗ vào ống tủy. Sau đó, đóng một chiếc đinh có chiều dài ngắn hơn xương chày khoảng 4 – 6cm vào ống tủy xương chày.
Tiếp đó, bác sĩ tiếp tục thực hiện rạch 1cm ở mặt trong đầu trên cẳng chân để tiến hàng lắp dụng cụ định vị và bắt 2 vít chốt ở trung tâm.
Bước 2: Lắp đặt khung cố định vào cẳng chân
Ở bước này, thiết bị lắp cố định sẽ được lắp vào cẳng chân tại vị trí đầu tiên trên xương chày và đầu dưới của xương chày.
Bước 3: Cắt xương
Sau khi lắp đặt xong khung cố định, bác sĩ sẽ chuyển qua bước cắt xương. Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt xương mác và xương chày nhằm tách đôi hai xương này với nhau để tạo khoảng hở cho xương mới phát triển. Quá trình này đòi hỏi các bác sĩ phải có tay nghề cao và cực kỳ cẩn thận để xương không bị vỡ, cũng như không gây tổn thương các tổ chức mạch máu xung quanh. Từ đó, thời gian phục hồi của bệnh nhân cũng sẽ được rút ngắn và đỡ đau đớn hơn nhiều.
4. Xương thay đổi như thế nào sau khi phẫu thuật?
Về nguyên tắc, muốn kéo dài xương thì phải cắt xương, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để kéo dài xương ra. Khi thực hiện kéo dài, hai phần xương dần xa nhau, lúc đầu sẽ tạo thành khoảng trống. Dần dần về sau, xương nang sẽ phát triển, canxi sẽ được vận chuyển và xương mới sẽ lấp đầy khoảng trống đó.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa mỗi người và theo từng lứa tuổi mà tốc độ xương tái sinh để lấp đầy khoảng trống cũng sẽ khác nhau. Tuổi càng trẻ thì khả năng tái sinh xương nang càng nhanh. Theo nghiên cứu, mỗi ngày, xương sẽ được kéo dài khoảng 0,7 đến 1mm.
5. Phẫu thuật kéo dài chân có nguy hiểm không?
Vậy phẫu thuật kéo dài chân có nguy hiểm hay không? Như đã nói ở trên, phẫu thuật kéo dài chân không phải là một kỹ thuật quá khó, nhưng quá trình thực hiện cũng như thời gian phục hồi mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy, khi thực hiện phẫu thuật cần bác sĩ có tay nghề cao để tránh xảy ra những biến chứng như vỡ xương, tổn thương màng xương, đứt gân hay dây thần kinh. Đặc biệt nguy hiểm là biến chứng nhiễm trùng xương có thể dẫn đến viêm xương.
Ngoài ra, trong suốt quá trình phục hồi sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể gặp một số sự cố khiến xương không liền được, khối can xương không đủ khỏe. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện kéo dài chân, các phần mềm như gân cơ, thần kinh, mạch máu hay dây chằng chưa thể đáp ứng kịp với các tình huống mới. Bởi vậy, người bệnh cần phải luyện tập những bài tập phục hồi chức năng một thời gian. Tốc độ tiến triển nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào thể trạng và mức độ kéo dài của mỗi người.
Chính bởi những rủi ro có thể gặp phải sau cuộc phẫu thuật tăng chiều cao, bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện. Với những đối tượng ở độ tuổi đang phát triển có thể áp dụng những biện pháp tăng chiều cao tự nhiên như tác động đến chế độ ăn uống khoa học, tập luyện hợp lý, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao.