Một số nguyên nhân, triệu chứng suy giảm chức năng thận mà người bệnh nên biết để cải thiện, phòng thờ và phục hồi sức khỏe. Trường hợp không can thiệp điều chỉnh kịp thời sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí gây tử vong.
Suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Nếu không được chạy thận hoặc ghép thận, người bệnh sẽ khó duy trì được sự sống.

Thận là cơ quan nằm về phía lưng dưới mỗi người, phân bố ở hai bên cột sống có vai trò ổn định thể dịch, bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể và một số chức năng khác như bảo tồn hay loại thải các chất khác ra khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.
Các triệu chứng của suy giảm chức năng ở thận khi mới hình thành thường không có triệu chứng đặc hiệu và phát triển theo thời gian. Bởi thận bao gồm hai quả có khả năng hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Do đó, rất nhiều trường hợp mắc phải triệu chứng suy giảm chức năng thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ nên dẫn đến việc điều trị ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Phân loại triệu chứng suy giảm chức năng thận
Theo Thầy thuốc ưu tú PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên – Giám đốc trung tâm Tiết niệu Thận học, bệnh được chia làm 5 loại dựa trên cơ chế bệnh sinh:
Suy thận cấp tính trước thận
Đây là trường hợp suy thận cấp tính xuất hiện khi lưu lượng máu đến thận không đủ, dẫn đến ảnh hưởng khả năng đào thải chất độc của thận. Nguyên nhân của tình trạng này là do chấn thương, phẫu thuật hoặc các bệnh lý khác. Triệu chứng của bệnh suy thận cấp trước thận thường là: chán ăn, buồn nôn, nôn, co giật, hôn mê… Loại bệnh này có thể được chữa khỏi, nếu bác sĩ xác định được nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu.
Suy thận cấp tính tại thận
Suy thận nội tại cấp tính có thể do chấn thương trực tiếp đến thận, chẳng hạn như những tác động vật lý hoặc tai nạn. Nguyên nhân cũng bao gồm sự quá tải của độc tố và thiếu máu cục bộ hay thiếu oxy đến thận. Trong đó, nguyên nhân gây ra thiếu máu cục bộ bao gồm: chảy máu nghiêm trọng, tắc nghẽn mạch máu thận, viêm cầu thận…
Suy thận mạn tính trước thận
Khi không đủ tưới máu thận trong một thời gian dài, thận bắt đầu co lại. Dần dần, thận mất khả năng hoạt động gọi là suy thận mạn tính trước thận.
Suy thận mạn tính tại thận
Tình trạng suy thận mạn này xảy ra khi thận bị tổn thương lâu dài do bệnh xảy ra ở thận như viêm cầu thận, viêm kẽ thận, viêm ống thận… Bệnh nội tại thận phát triển từ chấn thương trực tiếp đến thận gồm chảy máu nghiêm trọng hoặc thiếu oxy.
Suy thận mạn tính sau thận
Đường tiết niệu bị tắc nghẽn lâu ngày, bao gồm tắc đường tiết niệu cao và tắt đường tiết niệu thấp, sẽ cản trở việc nước tiểu thoát ra ngoài. Điều này gây ra áp lực cho thận và cuối cùng là làm tổn thương thận.
Các giai đoạn triệu chứng suy giảm chức năng thận
Suy thận được phân thành 5 giai đoạn, từ rất nhẹ (giai đoạn 1) đến tình trạng chức năng ở thận bị suy giảm hoàn toàn (giai đoạn 5). Triệu chứng và biến chứng bệnh tăng lên khi các giai đoạn tiến triển. Cụ thể:
Giai đoạn 1
Giai đoạn này rất nhẹ. Người bệnh có thể không có triệu chứng và không có biến chứng rõ ràng. Ở giai đoạn 1, việc duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát và làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.
Giai đoạn 2
Thận suy yếu ở giai đoạn 2 vẫn coi là một dạng nhẹ, nhưng các vấn đề có thể phát hiện qua mức lọc cầu thận giảm nhẹ, xuất hiện protein trong nước tiểu hoặc tổn thương thực thể ở thận có thể rõ ràng hơn.

Các phương pháp ở duy trì lối sống tích cực vẫn được sử dụng ở giai đoạn 2, nhưng người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ khác có thể làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.
Giai đoạn 3
Bệnh ở giai đoạn này được coi là trung bình, đôi khi được chia thành 3A và 3B. Thận của người bệnh không hoạt động tốt như bình thường. Các triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn như bị sưng bàn tay, bàn chân, đau lưng và đi tiểu thường xuyên.
Giai đoạn 4
Bệnh thận giai đoạn 4 được coi là mức độ trung bình – nặng. Thận hoạt động không tốt, nhưng chức năng thận của người bệnh vẫn chưa suy giảm hoàn toàn. Các triệu chứng có thể bao gồm các biến chứng như thiếu máu, huyết áp cao và bệnh xương khớp.
Giữ lối sống lành mạnh vẫn là yếu tố sống còn để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp để làm chậm tổn thương thận.
Giai đoạn 5
Ở giai đoạn 5, thận của người bệnh bị suy hoàn toàn. Các triệu chứng suy giảm chức năng thận trở nên rõ rệt, bao gồm nôn và buồn nôn, khó thở, ngứa da…
Dấu hiệu suy thận
Thông thường bệnh nhân suy thận sẽ có một vài triệu chứng của bệnh, nhưng đôi khi không có triệu chứng nào. Một số biểu hiện của tình trạng này có thể xảy ra bao gồm: (2)
· Giảm lượng nước tiểu

· Phù mắt cá chân, bàn chân
· Khó thở không rõ nguyên nhân
· Đau hoặc cảm thấy nặng ngực
· Buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải
· Kém ăn, buồn nôn dai dẳng, nôn
· Sụt cân
· Ngứa ngáy
· Co rút cơ (đặc biệt là ở chân)
· Co giật
· Hôn mê
· Thiếu máu (ít xuất hiện)
Một số dấu hiệu sớm của bệnh suy thận
Các triệu chứng của bệnh thận giai đoạn đầu có thể khó xác định được. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng, nếu xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như: tiểu ít, sưng phù tay chân, khó thở… Khi bắt đầu điều trị bệnh, các triệu chứng này sẽ được cải thiện và người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều.
Nguyên nhân gây triệu chứng suy giảm chức năng thận
Bệnh có thể là hệ quả của một số vấn đề về sức khỏe và xác định được nguyên nhân rất hữu ích trong việc giúp nhận diện loại suy thận. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ một số yếu tố sau đây:
Giảm lưu lượng máu đến thận
Lượng máu đến thận bị mất đột ngột có thể sẽ dẫn đến suy thận. Tình trạng này thường do các nguyên nhân như: bệnh tim, sẹo gan hoặc suy gan, bị bỏng nặng, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng chẳng hạn như nhiễm trùng huyết… Việc dùng thuốc cao huyết áp và thuốc chống viêm cũng có thể hạn chế lượng máu đến thận.
Vấn đề đào thải nước tiểu
Khi cơ thể không đào thải được nước tiểu, các chất độc sẽ tích tụ và gây quá tải cho thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm một số bệnh ung thư ở đại tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới), cổ tử cung (nữ giới)…

Các tình trạng khác có thể gây cản trở việc tiểu tiện và lâu dần dẫn đến suy thận như: sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, cục máu đông trong đường tiết niệu, tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang…
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh suy thận bao gồm:
· Xuất hiện cục máu đông ở trong hoặc quanh thận
· Nhiễm trùng
· Nhiễm độc kim loại nặng
· Viêm mạch máu
· Bệnh lupus
· Viêm cầu thận
· Hội chứng tan máu tăng urê máu
· Đa u tủy xương
· Xơ cứng bì
· Xuất huyết khiến giảm tiểu cầu huyết khối
· Các loại thuốc điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn
· Thuốc nhuộm được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh
· Một số loại thuốc kháng sinh
· Bệnh tiểu đường không kiểm soát
· Thận bị lão hóa do tuổi tác (đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy thận ở người cao tuổi)
Trên đây là một số thông tin về các triệu chứng suy giảm chức năng thận mà người bệnh hay gặp phải. Khi gặp phải các triệu chứng trên, nên đến các trung tâm y tế để điều trị kịp thời.